Vị Trí Địa Lý Và Lịch Sử Hình Thành Huyện Bình Lục

Vị Trí Địa Lý Và Lịch Sử Hình Thành Huyện Bình Lục - 5.0 out of 5 based on 1 vote

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

huyenbinhlucBình Lục là huyện đồng bằng Bắc Bộ. Phía Đông Bắc và phía Bắc giáp huyện Lý Nhân với ranh giới là nhánh nhỏ của sông Châu Giang, phía Tây Bắc giáp huyện Duy Tiên và T.P. Phủ Lý ranh giới là dòng chính sông Châu Giang.

Phía Tây giáp huyện Thanh Liêm, các huyện (TP) này đều thuộc tỉnh Hà Nam. Riêng phía Nam và Đông Nam huyện giáp tỉnh Nam Định, một phần ranh giới này (đoạn phía nam) là sông Sắt, tính từ tây sang đông giáp các huyện: Ý Yên, Vụ Bản và Mỹ Lộc. Trong địa bàn huyện có các con sông nhỏ như: sông Sắt, sông Liêm Phong (trên ranh giới với huyện Thanh Liêm),... đều là các sông nhánh của sông Châu Giang và sông Đáy, thuộc hệ thống sông Hồng. Diện tích tự nhiên của huyện Bình Lục là 154,9 km².

Bình Lục tổng cộng 19 đơn vị hành chính cấp xã, gồm huyện lỵ là thị trấn Bình Mỹ, nằm cạnh quốc lộ 21A và Đường sắt Thống Nhất và 18 xã: An Đổ, An Lão, An Mỹ, An Ninh, An Nội, Bình Nghĩa, Bồ Đề, Bối Cầu, Đồn Xá, Đồng Du, Hưng Công, La Sơn, Mỹ Thọ, Ngọc Lũ, Tiêu Động, Tràng An, Trung Lương, Vũ Bản.

Huyện Bình Lục thời phong kiến thuộc phủ Lý Nhân trấn Sơn Nam. Trong huyện có xã Ngọc Lũ là một di chỉ khảo cổ nổi tiếng, nơi lưu giữ trống đồng Ngọc Lũ trước khi được giới khảo cổ phát hiện ra giá trị quý giá của nó năm 1901. Đây là di vật khảo cổ có giá trị và nguyên vẹn của nền văn hóa Đông Sơn. Ngoài chiếc chống đồng trên tại xã này, về sau còn phát hiện thêm 2 chiếc trống đồng nữa. Các trống đồng cùng loại được phát hiện tiếp theo tại các thôn Đại Vũ (trống Vũ Bị năm 1969), xã An Lão (trống An Lão năm 1985). Tổng cộng trống đồng có ở Bình Lục hoặc đã phát hiện tại Bình Lục là 6 chiếc.

Sau năm 1954, huyện Bình Lục có 22 xã: An Đổ, An Mỹ, An Ninh, An Nội, Bình Nghĩa, Bình Thành, Bồ Đề, Bối Cầu, Đinh Xá, Đồn Xá, Đồng Du, Hòa Bình, Hưng Công, La Sơn, Mỹ Thọ, Ngọc Lũ, Quế Sơn, Tiêu Động, Tràng An, Trịnh Xá, Trung Lương, Vũ Bản.

Ngày 29-1-1966, sáp nhập xã Bình Thành vào xã Tiêu Động.

Năm 18-12-1976, hợp nhất 2 xã Hòa Bình và Quế Sơn thành một xã lấy tên là xã An Lão.

Năm 13-2-1987, thành lập thị trấn Bình Mỹ - thị trấn huyện lỵ huyện Bình Lục - trên cơ sở 1,44 ha diện tích tự nhiên và 51 nhân khẩu của xã An Đổ; 164,48 ha diện tích tự nhiên và 947 nhân khẩu của xã An Mỹ; 90 ha diện tích tự nhiên và 573 nhân khẩu của xã Mỹ Thọ và 3,91 hécta đất của xã Trung Lương.

Cuối năm 2012, huyện Bình Lục có 1 thị trấn Bình Mỹ và 20 xã: An Đổ, An Lão, An Mỹ, An Ninh, An Nội, Bình Nghĩa, Bồ Đề, Bối Cầu, Đinh Xá, Đồn Xá, Đồng Du, Hưng Công, La Sơn, Mỹ Thọ, Ngọc Lũ, Tiêu Động, Tràng An, Trịnh Xá, Trung Lương, Vũ Bản.

Ngày 23-7-2013, một phần diện tích và dân số của huyện Bình Lục gồm 1.236,54 ha diện tích tự nhiên và 12.868 người (các xã Đinh Xá, Trịnh Xá) được điều chỉnh về thành phố Phủ Lý. Huyện Bình Lục còn lại 1 thị trấn Bình Mỹ và 18 xã: An Đổ, An Lão, An Mỹ, An Ninh, An Nội, Bình Nghĩa, Bồ Đề, Bối Cầu, Đồn Xá, Đồng Du, Hưng Công, La Sơn, Mỹ Thọ, Ngọc Lũ, Tiêu Động, Tràng An, Trung Lương, Vũ Bản.

Đường bộ có quốc lộ 21A, quốc lộ 21B chạy từ Thanh Liêm sang Nam Định theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, cắt ngang qua huyện.

Quốc lộ 38B nối từ Ninh Bình qua Hà Nam tới Hải Dương

Đường sắt Thống Nhất Bắc - Nam chạy men theo quốc lộ 21.

Đường thủy: có sông Châu Giang.